Các khoản tiền Doanh nghiệp có thể cần chi trả trong dịp Tết Nguyên đán 2024

Doanh nghiệp

Theo quy định, kỳ nghỉ Tết Nguyên đán 2024 sẽ kéo dài 7 ngày. Doanh nghiệp cần lưu ý đến các khoản tiền mà người lao động có thể nhận như thưởng Tết, lương tháng thứ 13, tiền làm thêm giờ ngày Tết và tiền hỗ trợ từ công đoàn. 

Tiền thưởng Tết Giáp Thìn 2024

Tuỳ vào ngân sách và tình hình kinh doanh của mỗi đơn vị mà tiền thưởng Tết dành cho người lao động có sự khác nhau. 

Bộ luật Lao động năm 2019 (điều 104) quy định, thưởng là số tiền hoặc tài sản, hoặc bằng các hình thức khác mà người sử dụng lao động thưởng cho người lao động, căn cứ vào kết quả sản xuất, kinh doanh, mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Quy chế thưởng do người sử dụng lao động quyết định và công bố công khai tại nơi làm việc sau khi tham khảo ý kiến của tổ chức đại diện người lao động tại cơ sở.

Như vậy, tiền thưởng Tết không phải là khoản bắt buộc Doanh nghiệp phải trả cho người lao động. Nhưng để giữ chân cũng như cảm ơn cán bộ nhân viên đã gắn bó với tổ chức, đa số các doanh nghiệp có thưởng Tết với các mức tiền khác nhau, tùy thuộc vào kết quả sản xuất kinh doanh và mức độ hoàn thành công việc của người lao động.

Doanh nghiệp

Ngoài tiền mặt, tổ chức, công ty có thể thưởng Tết cho người lao động bằng hiện vật, tài sản hoặc bằng các hình thức khác. 

Có một lưu ý là theo quy định, tiền thưởng Tết là thu nhập chịu thuế thu nhập cá nhân. Do đó, người lao động sẽ đóng thuế khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế.

Tiền lương tháng 13 theo thoả thuận giữa Doanh nghiệp và người lao động

Lương tháng thứ 13 là thỏa thuận giữa Doanh nghiệp và người lao động, pháp luật không có quy định cụ thể về khoản tiền này. Thực tế, một số doanh nghiệp sẽ chi trả số tiền này cho người lao động vào dịp cuối năm và xem nó là khoản thưởng Tết. 

Doanh nghiệp chỉ bắt buộc phải chi trả lương tháng 13 trong trường hợp trước đó đã có thỏa thuận trong hợp đồng lao động hoặc thỏa ước lao động tập thể.

Doanh nghiệp

Lương tháng 13 thường được được xác định theo hai cách: 

  • Theo mức bình quân tiền lương trong năm 
  • Theo mức lương tháng 12 của người lao động

Cũng giống như thưởng Tết, lương tháng 13 là thu nhập phải chịu thuế thu nhập cá nhân. Người lao động cần phải đóng thuế khi trừ các khoản giảm trừ mà vẫn đạt đến mức phải nộp thuế.

Tiền làm thêm giờ ngày Tết (theo thoả thuận của Doanh nghiệp và người lao động)

Theo điều 112, Bộ luật Lao động năm 2019 quy định, người lao động được nghỉ làm việc, hưởng nguyên lương trong 5 ngày Tết Âm lịch. Tùy tình hình sản xuất kinh doanh, để kịp tiến độ giao hàng, doanh nghiệp sẽ có những thoả thuận với người lao động để đi làm vào dịp Tết.  

Lúc này, doanh nghiệp cần lưu ý đến khoản tiền chi trả như quy định của Bộ luật Lao động năm 2019. Cụ thể, tại Điều 98 nêu rõ về tiền lương làm thêm giờ, làm việc vào ban đêm. Người lao động làm thêm giờ được trả lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc đang làm.

Vào ngày nghỉ lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương, ít nhất bằng 300% chưa kể tiền lương ngày lễ, Tết, ngày nghỉ có hưởng lương đối với người lao động hưởng lương ngày.

Như vậy, với quy định này, người lao động đi làm thêm ngày Tết sẽ được hưởng 400% lương của ngày làm việc bình thường.

Doanh nghiệp

Trường hợp, người lao động làm việc vào ban đêm thì được trả thêm ít nhất bằng 30% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương thực trả theo công việc của ngày làm việc bình thường.

Người lao động làm thêm giờ vào ban đêm, ngoài việc trả lương theo quy định thì còn được trả thêm 20% tiền lương tính theo đơn giá tiền lương hoặc tiền lương theo công việc làm vào ban ngày của ngày làm việc bình thường hoặc của ngày nghỉ hằng tuần hoặc của ngày nghỉ lễ, Tết.

Tiền hỗ trợ từ công đoàn

Trong dịp Tết 2024, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng đã xây dựng kế hoạch và dành nguồn lực để chăm lo và có những phần quà gửi đến người lao động trên 63 tỉnh, thành phố với trên 19.000 phần quà. Mỗi phần quà gồm tiền mặt (1 triệu đồng) và quà trị giá 300.000 đồng là lương thực, sản phẩm thiết yếu.

Ngoài ra, đơn vị này cũng chỉ đạo các công đoàn cơ sở căn cứ vào nguồn lực cũng như kết dư từ các năm trước, tính toán phù hợp theo nguyện vọng của đoàn viên người lao động tại đơn vị để chăm lo Tết cho người lao động.

Cùng với đó, đơn vị này cũng tổ chức chương trình chợ tết cho người lao động 2024 với nhiều hỗ trợ thiết thực đến đoàn viên, người lao động. 

Trên đây là những khoản tiền mà Doanh nghiệp cần lưu ý để chi trả cho người lao động vào dịp Tết Giáp Thìn 2024. Mong rằng những thông tin này sẽ giúp các cán bộ nhân sự có phương án giúp doanh nghiệp chủ động trong khoản ngân sách của mình. 

Để cập nhật thêm thông tin về các chính sách bảo hiểm xã hội, người lao động có thể truy cập hrinsider.iviec.vn.

Theo VTV