Trong lĩnh vực tuyển dụng, nhiều người cho rằng tìm ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp quan trọng hơn là tìm được ứng viên giỏi. Bởi vì, một ứng viên giỏi có thể sẽ không phát huy hết khả năng của mình nếu không phù hợp với môi trường làm việc. Dưới đây là bộ câu hỏi phỏng vấn kiểm tra độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp giúp các nhà tuyển dụng tìm ra được ứng viên có cùng giá trị, quan điểm và mục tiêu với doanh nghiệp.
Tầm quan trọng của việc xác định mức độ phù hợp văn hóa doanh nghiệp của ứng viên
Là người phụ trách tuyển dụng, hơn ai hết, bạn là người hiểu rõ văn hóa doanh nghiệp cũng như tầm quan trọng của nó trong việc tạo nên sự thành công của một tổ chức. Văn hóa doanh nghiệp phản ánh giá trị và sứ mệnh của công ty, hình thành khuôn khổ làm việc của nhân viên. Khi nhân viên và công ty có cùng văn hóa, họ sẽ dễ dàng hòa nhập, gắn kết và cùng nhau phát triển.
Vì vậy, việc tuyển dụng được những ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp là vô cùng quan trọng. Những ứng viên này sẽ có khả năng thích ứng nhanh chóng với môi trường làm việc mới, đóng góp tích cực cho sự phát triển của công ty.
Lợi ích của việc tuyển dụng ứng viên phù hợp với văn hóa doanh nghiệp:
- Tăng năng suất và hiệu quả công việc: Khi nhân viên và công ty có cùng văn hóa, họ sẽ có chung một mục tiêu và cách thức làm việc. Điều này sẽ giúp họ phối hợp nhịp nhàng, hiệu quả hơn trong công việc.
- Giảm thiểu xung đột và mâu thuẫn: Khi nhân viên có cùng văn hóa, họ sẽ dễ dàng hiểu và tôn trọng lẫn nhau. Điều này sẽ giúp giảm thiểu xung đột và mâu thuẫn trong môi trường làm việc.
- Tăng cường sự gắn kết và hài lòng của nhân viên: Khi nhân viên cảm thấy phù hợp với văn hóa doanh nghiệp, họ sẽ có cảm giác thoải mái và gắn bó với công ty hơn. Điều này sẽ giúp tăng cường sự hài lòng của nhân viên và giảm thiểu tỷ lệ nghỉ việc.
Dưới đây là một số ví dụ về các câu hỏi phỏng vấn phù hợp văn hóa mà bạn có thể hỏi ứng viên trong quá trình tuyển dụng.
Một số câu hỏi phỏng vấn kiểm tra độ phù hợp văn hóa của ứng viên
Hỏi về mong muốn môi trường làm việc:
- Bạn thích làm việc một mình hay làm việc theo nhóm? Tại sao?
- Loại môi trường làm việc nào giúp thúc đẩy năng suất làm việc của bạn nhất? Tại sao?
- Điều bạn thích ở công việc hiện tại (hoặc công việc trước đây) mà bạn muốn công ty chúng tôi cũng có được là gì?
Hỏi về hiệu suất:
- Bạn muốn sếp góp ý cho bạn qua những buổi họp đánh giá công việc thường niên hay qua các cuộc họp ngắn hàng ngày/hàng tuần? Tại sao?
- Bạn hy vọng mình có thể đạt được gì trong sáu tháng đầu làm việc tại công ty?
- Lý do nào sẽ khiến bạn từ bỏ công việc ngay trong tháng đầu tiên?
- Trong một dự án khó khăn, để động viên mọi người trong nhóm, bạn sẽ nói gì hoặc làm gì?
- Quản lý giao cho bạn lượng lớn việc ngay trước khi hết ngày làm việc. Bạn sẽ trả lời như thế nào?
- Nếu như bạn nghĩ rằng có một cách giải quyết vấn đề tốt hơn, nhưng khi góp ý thì nhân viên cũ lại bảo “Trước giờ vẫn toàn làm như thế”, bạn sẽ nói gì?
Hỏi về chính sách & đãi ngộ:
- Đã bao giờ bạn thấy rằng chính sách của công ty không công bằng và không hiệu quả? Nếu có thì đó là chính sách nào và tại sao? Bạn đã làm gì hoặc sẽ làm gì trong trường hợp này?
Tips phỏng vấn mức độ phù hợp với văn hóa doanh nghiệp
Xem xét độ hoà nhập và khả năng phát triển văn hoá doanh nghiệp: Nhân viên mới có thể hòa hợp hoặc làm “nhiễu” văn hoá công ty. Nếu doanh nghiệp của bạn đã duy trì được một văn hóa tích cực và bền vững, hãy tuyển những ứng cử viên có thể hòa nhập với nó, hoặc những người có thể nâng cao giá trị của nó.
Lưu tâm đến mục tiêu tương lai của doanh nghiệp: Ưu tiên những ứng cử viên có khả năng dẫn dắt tập thể của bạn đi đúng hướng. Ví dụ: nếu bạn định mở rộng quy mô thì việc thuê một nhân viên có kỹ năng lãnh đạo tốt sẽ giúp bạn đạt được các mục tiêu thách thức.
Chuẩn bị bộ câu hỏi phản ánh nét văn hóa đặc thù của bộ phận: Ví dụ, một phòng kỹ thuật có thể có những thói quen làm việc khác nhau, hoặc mục tiêu của đội tiếp thị và bán hàng cũng khác nhau.
Tham vấn từ những người từng tiếp xúc với ứng viên: Vì văn hoá gắn liền với hành vi, nên hãy nói chuyện với những nhân viên đã từng giao tiếp với ứng viên trước và sau cuộc phỏng vấn (ví dụ như nhân viên tiếp tân hoặc nhân viên an ninh). Một người thân thiện và lịch sự sẽ được lòng hơn một người khiếm nhã và kiêu ngạo. Đồng thời, đừng từ chối ngay những người hướng nội chỉ vì họ không thích tham gia những cuộc trò chuyện phiếm.
Ứng viên cũng có quyền xem xét mức độ phù hợp của Doanh nghiệp với định hướng của họ: Các ứng viên cũng có quyền nói xem họ phù hợp với doanh nghiệp của bạn hay không. Ngay từ đầu, hãy để họ được quan sát và trải nghiệm công việc, sau đó tự mình quyết định xem họ có phù hợp hay không. Hãy dẫn họ tham quan văn phòng và giới thiệu họ với những người đồng nghiệp tương lai của họ.
Những trường hợp cần lưu ý
Bộ giá trị ứng viên theo đuổi không phù hợp với bộ giá trị cốt lõi của công ty: Một nhân viên phù hợp với doanh nghiệp nếu họ và bạn chia sẻ cùng một giá trị, cùng phương pháp làm việc và có các mục đích chung. Ví dụ, một nhân viên cứng nhắc, làm việc luôn theo quy trình có thể sẽ không phù hợp nếu công ty của bạn luôn ưu tiên đổi mới và linh hoạt trong mọi việc. Cũng tương tự như vậy, nếu một nhân viên chỉ mong được thăng tiến nhanh chóng sẽ không phù hợp với một vị trí có tính cố định.
Ứng viên không trung thực: Trong một vài trường hợp, ứng viên có sự chuẩn bị câu trả lời cho những câu hỏi phỏng vấn thay vì chia sẻ con người thực sự / hiệu suất / mong muốn thực sự của họ. Nếu bạn cảm nhận được rằng họ chỉ đơn giản là đang cố gắng gây ấn tượng tốt với bạn, vậy hãy thăm dò thêm bằng các câu hỏi khác và yêu cầu các ví dụ cụ thể hơn.
Ứng viên “cái gì cũng biết”: Tuyển dụng được nhân viên giỏi là điều đáng mừng nhưng điều quan trọng hơn là họ biết cân bằng giữa những thói quen làm việc của bản thân với những ý tưởng mới trong công việc. Nếu ứng viên có dấu hiệu kiêu ngạo và có thái độ “cái gì cũng biết”, bạn nên lưu tâm và đánh giá một cách khách quan trước khi ra quyết định tuyển dụng.
Ứng viên có phong cách lãnh đạo khác văn hoá đội ngũ hiện tại: Khi bạn đi tuyển vị trí quản lý, phải xem xét team của họ làm việc như thế nào. Ví dụ, một ứng cử viên có phong cách lãnh đạo chuyên quyền chưa chắc đã phù hợp với việc quản lí một nhóm nhân viên thích làm việc độc lập.
Mức độ tuân thủ chính sách: Việc thắc mắc để làm rõ chính sách sẽ khác với việc không tuân thủ / thiếu tôn trọng chính sách. Kinh nghiệm làm việc trước đây của ứng viên sẽ tiết lộ liệu họ có tuân theo các chính sách của công ty và đưa ra các đề xuất để cùng nhau cải thiện vấn đề hay không.
Trên đây là một số câu hỏi xác định mức độ phù hợp với văn hoá cũng như lưu ý khi tuyển dụng nhân viên mới. Là người phụ trách tuyển dụng, bạn cần chuẩn bị những câu hỏi phù hợp với đặc thù doanh nghiệp, phòng ban và vị trí cần tuyển để có được thông tin cần thiết nhất, từ đó đưa ra quyết định sáng suốt hơn.
Được phát triển bởi tập đoàn FPT, iVIEC for Business (iVIEC) là nền tảng ứng dụng công nghệ và Trí tuệ nhân tạo hàng đầu trong lĩnh vực tuyển dụng. Chúng tôi luôn đồng hành và giúp Doanh nghiệp gia tăng lợi thế cạnh tranh trên thị trường tuyển dụng.
Bằng cách kế thừa tư duy tuyển dụng cùng các công nghệ mới nhất, iVIEC for Business thay đổi cách làm tuyển dụng truyền thống thông qua 3 hướng tiếp cận chính:
- Giải pháp tạo nguồn và quản lý ứng viên bền vững
- Nâng cao trải nghiệm ứng viên
- Xây dựng thương hiệu tuyển dụng chuyên nghiệp
Nếu bạn quan tâm đến giải pháp của iVIEC, bạn có thể đăng ký nhận tài khoản trải nghiệm iVIEC MIỄN PHÍ tại đây.