Quản lý nên làm gì để vực dậy tinh thần làm việc trong giai đoạn cuối năm

Những ngày cuối năm thường là thời điểm nhân viên nói chung, cán bộ tuyển dụng nói riêng dễ rơi vào trạng thái chán nản và thiếu tập trung. Những kế hoạch nghỉ lễ, các việc cá nhân cần lo liệu, cùng áp lực hoàn thành công việc khiến họ khó ngồi yên tại bàn làm việc. Đối với các doanh nghiệp, đây lại là thời điểm bận rộn khi mọi người cần hoàn tất mục tiêu của năm cũ. Vậy, là người quản lý, bạn có thể làm gì để vực dậy tinh thần làm việc trong giai đoạn này?

1. Truyền năng lượng tích cực trong từng hành động

Vào cuối năm, một số nhân viên có xu hướng trở nên tiêu cực khi họ nghĩ về những gì chưa làm được trong năm qua, hoặc cảm thấy áp lực khi phải lo toan cho các dịp lễ, đặc biệt là Tết. Việc nhìn lại một năm và đối mặt với những chi phí, trách nhiệm dịp lễ khiến không ít người trở nên mệt mỏi, thậm chí căng thẳng hơn khi phải vừa hoàn thành công việc, vừa chuẩn bị cho cuộc sống cá nhân.

Trong bối cảnh này, vai trò của người quản lý là mang lại bầu không khí tích cực cho toàn bộ đội ngũ. Chính bạn cần phải thể hiện tinh thần lạc quan, chia sẻ những câu chuyện tích cực và khuyến khích nhân viên nhìn mọi thứ từ góc độ vui tươi hơn. Cách bạn nói chuyện, những câu chúc đơn giản hay những hoạt động nhỏ đầy sức sống có thể lan tỏa niềm vui và tạo động lực, giúp nhân viên bước qua những ngày cuối năm với tinh thần phấn chấn hơn.

2. Điều chỉnh mục tiêu để phù hợp với tâm trạng cuối năm

Thay vì đẩy nhanh tiến độ hoặc tăng khối lượng công việc, hãy linh hoạt điều chỉnh các nhiệm vụ sao cho phù hợp với thời gian còn lại của năm. Các mục tiêu ngắn hạn, dễ hoàn thành hơn có thể là lựa chọn tốt, vừa giúp nhân viên cảm thấy đạt được thành tựu mà không bị áp lực dồn dập.

3. Tăng cường tính minh bạch: Yếu tố quan trọng trong quản lý cuối năm

Vào dịp cuối năm, nhân viên không chỉ bận rộn với công việc mà còn mong muốn nắm rõ các chính sách và kế hoạch từ phía công ty để có sự chuẩn bị phù hợp. Những thắc mắc phổ biến như “Lương sẽ được chi trả đúng hạn?”, “Chính sách hỗ trợ tăng ca ra sao?”, “Liệu có thể về sớm hơn trong những ngày cận Tết?” đều là những câu hỏi thực tế cần được giải đáp kịp thời. Nếu không, sự thiếu minh bạch có thể tạo ra những suy đoán sai lệch, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên và bầu không khí tại công ty.

Đây là thời điểm mà sự minh bạch trong thông tin cần được đẩy mạnh hơn bao giờ hết. Đảm bảo rằng nhân viên đều nắm rõ những kế hoạch và chính sách sẽ giúp họ có sự chuẩn bị tốt hơn, đồng thời giảm thiểu những hoài nghi không cần thiết.

Nếu có bất kỳ chính sách mới nào, hãy nhanh chóng thông báo cho toàn thể nhân viên về cách thức triển khai, thời điểm bắt đầu và kết thúc. Đối với các nhân viên thời vụ, việc giới thiệu rõ ràng và bố trí hướng dẫn công việc là cách giúp họ nhanh chóng hòa nhập và hiểu rõ vai trò của mình trong giai đoạn ngắn hạn này.

4. Truyền thông nội bộ: Cánh tay phải đắc lực cho sự minh bạch

Việc tổ chức các cuộc họp liên tục để cập nhật thông tin không phải là phương án tối ưu, bởi điều này gây lãng phí thời gian và ảnh hưởng đến tiến độ công việc. Thay vào đó, các kênh truyền thông nội bộ chuyên dụng có thể đóng vai trò như cầu nối, giúp thông tin được truyền tải nhanh chóng và hiệu quả.

5. Đưa không khí lễ hội vào văn phòng

Nếu không gian làm việc nhàm chán dễ khiến bạn mất cảm hứng, nhân viên của bạn cũng vậy. Những dịp lễ là cơ hội tuyệt vời để làm mới môi trường công sở và tạo nguồn cảm hứng làm việc. Để công việc trang trí trở nên sôi động và gắn kết hơn, hãy mời nhân viên tham gia vào quá trình này:

  • Cho phép nhân viên tự lên ý tưởng, thiết kế và thực hiện khâu trang trí – Điều này không chỉ tạo ra không gian làm việc mang màu sắc cá nhân mà còn thúc đẩy sự sáng tạo và kết nối giữa các thành viên.
  • Tổ chức cuộc thi bình chọn thiết kế trang trí đẹp nhất – Hình thức thi đua vui vẻ sẽ mang lại những giây phút thư giãn và thêm động lực cho nhân viên.
  • Dress code theo chủ đề lễ hội – Một dress code độc đáo cho từng ngày lễ sẽ tạo không khí vui vẻ và giúp mọi người dễ dàng hòa nhập vào tinh thần kỳ nghỉ.
  • Phân nhóm để trang trí các khu vực khác nhau trong văn phòng – Việc giao nhiệm vụ trang trí từng khu vực giúp nhân viên hợp tác chặt chẽ hơn và tạo ra không gian làm việc đa dạng, đầy sắc màu.

Với những hoạt động này, văn phòng sẽ không chỉ được khoác lên diện mạo mới mà còn mang đến cho nhân viên cảm giác thoải mái, phấn khởi khi làm việc trong không khí lễ hội sôi động.

6. Ngày lễ cần chú trọng đến sức khỏe nhân viên

Những ngày lễ luôn gắn liền với các buổi tiệc tùng, liên hoan. Tuy nhiên, việc ăn uống thiếu kiểm soát có thể ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe của nhân viên, đặc biệt là những thực phẩm nhiều đường hay dầu mỡ có thể gây mệt mỏi, buồn ngủ. Để tránh điều này, hãy chọn những món ăn nhẹ nhàng và tốt cho sức khỏe hơn, như trái cây tươi hoặc đồ ăn mặn ít dầu mỡ.

Ngoài ra, khuyến khích nhân viên duy trì thói quen rèn luyện thể thao sẽ giúp họ cân bằng giữa tinh thần và thể chất, hỗ trợ tăng cường sự tập trung. Một số hoạt động bạn có thể triển khai để tạo động lực vận động:

  • Phát động cuộc thi chạy bộ/đi bộ – Sử dụng các ứng dụng theo dõi sức khỏe và trao thưởng cho những người có thành tích tốt sau kỳ lễ.
  • Hỗ trợ chi phí phòng tập – Khuyến khích nhân viên bằng cách hỗ trợ một phần chi phí phòng tập, tạo điều kiện cho họ rèn luyện thường xuyên.
  • Mời huấn luyện viên đến văn phòng – Các buổi tập thể dục nhẹ ngay tại công ty với huấn luyện viên sẽ giúp nhân viên duy trì sức khỏe mà không ảnh hưởng đến thời gian làm việc.
  • Tham gia các hoạt động thể thao từ thiện – Vừa rèn luyện sức khỏe, vừa góp phần vào các hoạt động thiện nguyện, đây sẽ là cách tuyệt vời để lan tỏa tinh thần trách nhiệm xã hội trong công ty.

Những biện pháp này không chỉ giúp nhân viên duy trì sức khỏe mà còn xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, tăng cường tinh thần đồng đội và động lực làm việc trong những ngày lễ sắp tới.

7. Tạo điều kiện để nhân viên có thời gian bên gia đình

Trong những dịp lễ, đặc biệt là Tết, nhân viên – nhất là những ai đã lập gia đình – thường phải đối mặt với nhiều trách nhiệm gia đình và mong muốn được về sớm để lo liệu. Việc này vốn đã ăn sâu vào văn hóa người Việt. Vậy, làm sao để công việc vẫn được đảm bảo trong khi những nhân viên này vắng mặt?

Một giải pháp hợp lý là phân chia công việc cho các đồng nghiệp khác, như những nhân viên chưa có gia đình hoặc ít bận rộn ngoài giờ. Tuy nhiên, để tránh gây cảm giác bất công, hãy khuyến khích tinh thần tự nguyện và tạo chính sách thưởng phù hợp cho những ai sẵn sàng giúp đỡ, đồng thời lắng nghe và đáp ứng các đề xuất hợp lý từ nhân viên.

8. Quà tặng ngày lễ – đơn giản nhưng hiệu quả

Những món quà bất ngờ, dù nhỏ, có sức mạnh lớn trong việc khích lệ tinh thần nhân viên. Đó là lời động viên nhẹ nhàng nhưng đầy ý nghĩa từ cấp trên, khiến nhân viên cảm thấy được quan tâm và trân trọng. Một vài ý tưởng quà tặng hữu ích có thể phù hợp cho mọi dịp lễ gồm:

  • Khăn quàng, cốc cà phê, chậu cây để bàn
  • Đồ dùng văn phòng như notebook, mouse pad, bút viết đẹp
  • Sách hay hoặc phụ kiện cá nhân

Việc chọn quà cũng nên dựa vào sở thích hoặc tính cách của từng cá nhân nếu có thể, còn nếu số lượng nhân viên quá đông, lựa chọn một set quà đơn giản nhưng mang dấu ấn ngày lễ sẽ rất lý tưởng.

9. Quan tâm đến thái độ làm việc của nhân viên

Thái độ làm việc tiêu cực có thể lan nhanh trong không gian công sở, nhất là trong những ngày lễ, khi tâm lý chán nản dễ xuất hiện. Những dấu hiệu rõ ràng bao gồm: nhân viên tán gẫu nhiều, thay đổi thái độ làm việc và không còn hứng thú với phần thưởng hay các khích lệ.

Để khắc phục tình trạng này, hãy tạo ra môi trường thoải mái với những bữa tiệc nhỏ, khuyến khích tham gia vào các hoạt động nhóm hoặc tổ chức các buổi trò chuyện cởi mở. Hãy dành thời gian để lắng nghe nhân viên, động viên và kịp thời hỗ trợ khi thấy họ có dấu hiệu căng thẳng.

10. Khuyến khích các hoạt động thiện nguyện

Các hoạt động thiện nguyện dịp lễ không chỉ thúc đẩy tinh thần trách nhiệm xã hội mà còn gắn kết nhân viên với văn hóa công ty. Theo Deloitte, 70% nhân viên cảm thấy có động lực hơn khi tham gia các hoạt động thiện nguyện so với các buổi tiệc tại văn phòng.

Nếu công ty hoạt động trong ngành thực phẩm, có thể tổ chức bữa ăn miễn phí cho người khó khăn và để nhân viên phục vụ. Hoặc bạn có thể khuyến khích nhân viên tham gia các chương trình thiện nguyện địa phương, một cơ hội tuyệt vời để xây dựng sự đoàn kết.

11. Cho phép nhân viên tan làm sớm

Một số nhân viên sẽ thấy việc được tan làm sớm như một “món quà” ý nghĩa vào dịp lễ, giúp họ có thêm thời gian cho gia đình và mua sắm chuẩn bị. Tuy nhiên, để đảm bảo công bằng, bạn nên đặt ra các quy định rõ ràng, ví dụ như không cắt lương khi về sớm và luân phiên giữa các nhân viên để ai cũng có cơ hội.

12. Tiệc tùng – không thể thiếu trong dịp lễ

Các bữa tiệc chào mừng là cách tuyệt vời để gắn kết nhân viên, tạo ra những giây phút thư giãn và đón chào năm mới trong không khí thân tình. Tổ chức tiệc có thể linh hoạt trước hoặc sau ngày lễ, tùy thuộc vào lịch làm việc và ý kiến nhân viên, tuy nhiên với dịp lễ lớn như Tết, tổ chức hai bữa tiệc (trước và sau Tết) là một ý tưởng tuyệt vời.

Lưu ý đặt bàn từ sớm để tránh tình trạng thiếu chỗ vào những ngày cao điểm. Những bữa tiệc này không chỉ là một phúc lợi nhỏ mà còn là cơ hội để ban lãnh đạo và nhân viên hiểu nhau hơn, thúc đẩy tinh thần và động lực làm việc trong một năm mới đầy hứa hẹn.

Tạm kết

Một nhà lãnh đạo giỏi luôn thấu hiểu những mong muốn và nhu cầu của nhân viên, đồng thời biết cách truyền động lực để họ cống hiến hết mình. Để tạo dựng một môi trường làm việc tích cực, ngay từ bây giờ, hãy dành thời gian quan sát và lắng nghe nhân viên của bạn. 

Tận dụng các phương pháp trên để thúc đẩy tinh thần, giúp họ cảm thấy được trân trọng và hào hứng hơn khi những ngày lễ như Giáng sinh và đặc biệt là Tết đang đến gần. Sự quan tâm kịp thời và chân thành từ lãnh đạo không chỉ tạo dựng văn hóa doanh nghiệp bền vững mà còn giúp gắn kết nhân viên lâu dài với công ty.